Mũi càng lớn khả năng chống lại vi khuẩn càng mạnh, do đó người mũi to ít khi bị cảm lạnh hay cúm; nhiều nốt ruồi thì bạn chậm bị lão hóa, còn bàn chân phẳng giúp cơ thể giảm chấn thương đùi.
Theo Health Sina, phụ nữ thường tự ti về các khiếm khuyết của cơ thể mình như ngực quá nhỏ, hông quá to, mũi quá lớn... Các nhà nghiên cứu phát hiện có một số bộ phận cơ thể không phải cứ đẹp là khỏe mà ngược lại, càng xấu càng biểu hiện cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Dưới đây là 8 bộ phận như vậy trên cơ thể nữ giới:
Mông to: Tim mạch khỏe
Một nghiên cứu cho thấy người mông to có hàm lượng cholesterol xấu thấp hơn và cholesterol tốt cao hơn, do đó ít nguy cơ mắc bệnh liên quan xơ vữa động mạch. Ngoài ra người mông to cũng ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đùi lớn thì tim khỏe
Hiện nay trào lưu xã hội chuộng vóc dáng thon thả, đùi thon. Một phụ nữ sở hữu cặp đùi quá khổ được cho là ảnh hưởng xấu đến đường cong của cơ thể. Tuy nhiên nghiên cứu lại chỉ ra người có cặp đùi đường kính 60 cm trở lên thì giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch cũng như chết sớm.
Ngực nhỏ: Xương cột sống thẳng
Nghiên cứu cho thấy ngực càng to, đặc biệt là người có cúp ngực D càng dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống và đau lưng. Còn người ngực nhỏ thì ít bị như vậy.
Nốt ruồi nhiều: Lão hóa chậm hơn
Nhiều nốt ruồi không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn tăng nguy cơ gây ung thư da. Song một nghiên cứu mới phát hiện ra những người nhiều nốt ruồi trông trẻ hơn tuổi thật của họ từ 6 đến 7 tuổi, tỷ lệ mắc các chứng bệnh lão hóa như bệnh tim, loãng xương cũng tương đối thấp hơn người ít nốt ruồi.
Tai to: Giảm nguy cơ lãng tai khi về già
Y sinh học đã chỉ ra rằng vành tai ngoài càng lớn thì âm thanh ống tai nhận được càng rõ. Do đó những người này khi về già sẽ giảm nguy cơ bị lãng tai.
Bàn chân phẳng: Giảm chấn thương đùi
Nghiên cứu mới nhất cho thấy những người có bàn chân phẳng ít bị chấn thương đùi và chân. 20% người có bàn chân lõm nguy cơ chấn thương chân cao hơn gấp 6 lần người có bàn chân phẳng.
Mũi to: Không dễ bị cảm lạnh
Nghiên cứu cho thấy mũi càng lớn, tỷ lệ hít bụi và các chất bẩn càng nhỏ, khả năng chống lại vi khuẩn gây hại mạnh hơn. Do đó người mũi lớn ít khi bị cảm lạnh hay cảm cúm.
Ngón chân ngắn: Chạy nhanh hơn
Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng trong quá trình tiến hóa của con người, ngón chân ngày càng biến đổi ngắn hơn để chạy nhanh hơn. Ngón chân dài đồng nghĩa với lượng cơ bắp và xương nhiều hơn, do đó khi chạy sẽ vất vả hơn, hiệu quả giảm xóc cũng kém hơn.